Dự án: “ Một số giải pháp nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng hồng xiêm cổ trên đất Lô Giang, Đông Hưng, Thái Bình” của em Phạm Quỳnh Chi tường THCS Hợp Hưng và Em Nguyễn Đức trường THCS Lô Giang đạt giải nhì cấp tỉnh cuộc thi KHKT năm học 2020 - 2021 Duy
Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật (KH-KT) dành cho học sinh trung học năm học 2020 - 2021. Đây là sân chơi mang ý nghĩa lớn đối với học sinh giúp khơi dậy được tính sáng tạo về KH-KT, tạo nên phong trào nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào đời sống hàng ngày. Với đề tài dự án" Một số giải phát để nâng cao chất lượng và sản lượng của Hồng Xiêm cổ trên đất Lô Giang - huyện Đông Hưng - tỉnh Thái Bình" của Học sinh Phạm Quỳnh Chi - trường THCS hợp Hưng, Duy - Trường THCS Lô Giang đã dành giải nhì cấp tỉnh
Giải nhì cấp tỉnh cuộc thi : Khao học kỹ thuật năm 2020 - 2021
Dự án: “ Một số giải pháp nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng
hồng xiêm cổ trên đất Lô Giang, Đông Hưng, Thái Bình”
1. LÝ DO NGHIÊN CỨU, Ý TƯỞNG NGHIÊN CỨU.
Thật tự hào khi chúng em được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Lô Giang, Đông Hưng, Thái Bình - nơi được biết đến với giống cây hồng xiêm cổ hàng trăm năm tuổi, quả có vị ngọt đặc trưng, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và được coi như là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho địa phương. Cây hồng xiêm bao trùm cả miền quê, những khu vườn, những bờ ao, những con đường, những thửa ruộng... với hàng trăm, hàng nghìn, hàng chục nghìn gốc hồng xiêm, chiếm tổng diện tích khoảng 30 ha, hàng năm cho trung bình khoảng 2.500 tấn đến 3.700 tấn quả theo chân người đi muôn nơi trên mọi miền đất nước, góp phần làm giàu đẹp cho quê hương. Bởi vậy, trong nghị quyết đại hội Đảng bộ xã Lô Giang nhiệm kì 2020 - 2025 đã định hướng phát triển cây hồng xiêm trở thành cây chủ lực, đặc sản thương hiệu cho Lô Giang, đang được UBND huyện Đông Hưng và tỉnh Thái Bình quan tâm trong giai đoạn hiện nay.
Qua tìm hiểu thực tế, người dân ở đây luôn cho rằng hồng xiêm cổ rất dễ trồng không cần tốn nhiều công sức chăm bón. Nên người dân chưa quan tâm đến chế độ dinh dưỡng và chăm sóc cho cây hồng xiêm, họ chỉ trồng, chăm sóc bằng các biện pháp đơn giản như: tưới nước, làm cỏ, tỉa cành sâu, cành xấu,… Các biện pháp này chủ yếu dựa vào các kinh nghiệm được truyền lại qua các thế hệ. Hiện nay môi trường, khí hậu thay đổi bất thường, phát sinh nhiều sâu bệnh hại cây, hại quả. Người dân đã sử dụng các biện pháp thủ công và lạm dụng thuốc hóa học để tiêu diệt sâu bệnh hại nhưng hồng xiêm cổ ở đây rất cao, tán rộng, nên biện pháp tiêu diệt sâu bệnh hại gặp nhiều khó khăn và hiệu quả không cao, cây có thể chết vì sâu bệnh.Với những lý do trên năng suất thu hoạch hồng xiêm qua mỗi năm thường không ổn định, có năm rất cao, có năm lại thấp, chất lượng quả không đảm bảo, môi trường sống bị ảnh hưởng.
Trước thực trạng đó, chúng em thiết nghĩ cần phải có những biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng đồng thời góp phần bảo tồn giống hồng xiêm cổ. Nên chúng em đã chọn đề tài “Một số giải pháp nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng hồng xiêm cổ trên đất Lô Giang, Đông Hưng, Thái Bình” là đề tài nghiên cứu.
Hình ảnh: Phỏng vấn người dân giới thiệu về cây hồng xiêm
Link Video người dân nói về các biện pháp chăm sóc
2. CÂU HỎI NGHIÊN CỨU
- Những yếu tố nào ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hồng xiêm cổ tại địa phương?
- Có cách chăm sóc, bảo vệ nào để nâng cao sản lượng và chất lượng hồng xiêm cổ trên đất Lô Giang, Đông Hưng, Thái Bình”
3. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
- Tìm hiểu nguồn gốc hồng xiêm cổ, đặc điểm sinh thái học, sinh lí học, các yếu tố ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây hồng xiêm trên đất Lô Giang.
- Tìm hiểu các biện pháp chăm sóc cây hồng xiêm cổ.
- Tìm hiểu những điều kiện ảnh hưởng đến chất lượng và sản lượng quả hồng xiêm.
- Tìm hiểu thành phần, tính chất của đất ở xã Lô Giang.
- Những giải pháp cải tạo đất, phòng trừ sâu bệnh hại để nâng cao chất lượng và sản lượng hồng xiêm cổ.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- Phương pháp nghiên cứu tài liệu: tra cứu thông tin qua sách báo, internet...
- Phương pháp quan sát: cải tạo đất, việc chăm sóc, bón phân, bắt sâu....của người dân.
- Phương pháp điều tra: thông qua các phiếu khảo sát;
- Phương pháp phỏng vấn, đàm thoại: hỏi, trao đổi với người dân địa phương,...
- Phương pháp thực nghiệm: Thực hành quan sát, tìm hiểu về chất đất, trực tiếp chăm sóc, ủ phân hữu cơ, bón phân hữu cơ, bón bùn cho cây hồng xiêm, thiết kế mồi nhử để dụ kiến đến bắt sâu, ủ thuốc trừ sâu sinh học làm từ ớt, tỏi, gừng, thực nghiệm nhiều lần, nhiều địa điểm... rút kinh nghiệm hoàn thiện sản phẩm;
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: nghiên cứu và xem xét lại những thành quả thực tiễn để rút ra kết luận hoàn thành báo cáo dự án.
5. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
- Hồng xiêm cổ (Manilkara zapota) tại xã Lô Giang;
- Năng suất, chất lượng quả hồng xiêm;
- Chất đất trồng hồng xiêm cổ;
- Các loại sâu bệnh hại thân, hại quả hồng xiêm.
6. NHỮNG LỢI ÍCH CỦA DỰ ÁN
- Làm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân về cách chăm sóc cây hồng xiêm.
- Áp dụng các giải pháp cải tạo đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bấm ngọn và tỉa quả non đối với những cành có mật độ quả dày, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng hồng xiêm.
- Học sinh được tiếp cận và được tập nghiên cứu khoa học kĩ thuật, đã tạo ảnh hưởng lớn trong việc học tập, trải nghiệm những kiến thức đã được học trong nhà trường.
7. NHỮNG CÔNG VIỆC CHÍNH ĐÃ THỰC HIỆN
7.1. Lập kế hoạch nghiên cứu (Phụ lục 1)
7.2. Tiến hành nghiên cứu
7.2.1. Khảo sát thực tế tại địa phương
Qua việc đi khảo sát thực tế các hộ trồng hồng xiêm của xã trong bốn thôn Hoàng Nông, Phú Nông, An Bình và Minh Đức cho thấy:
* Nguồn gốc cây hồng xiêm Lô Giang
Theo người dân truyền miệng để lại, Hồng xiêm cổ ở Lô Giang có trên 100 năm, hiện tại còn 2 cây hồng xiêm cổ còn sống và được người dân chiết cành nhân giống trong và ngoài xã.
Hồng Xiêm cho thu hoạch 1 vụ/ năm nhưng ra hoa nhiều lứa (2-3 lứa) nên thời gian thu hoạch kéo dài 6 -7 tháng, tập trung nhất vào khoảng tháng 3 âm lịch.
* Diện tích trồng hồng và thống kê sơ bộ số cây.
Xã Lô Giang có 4 thôn nhưng hồng xiêm cổ đang được trồng nhân rộng ở hai thôn Hoàng Nông, Phú Nông. Tại hai thôn, số lượng hồng xiêm được trồng rất nhiều, nhà nào cũng trồng: nhà trồng ít cũng 3-5 cây, nhà trồng nhiều lên đến hàng chục cây thậm trí hàng trăm cây. Ước tính cả xã có khoảng 26000 cây, tổng diện tích trồng hồng xiêm lên tới 30 ha.
Nhà ông Lương Xuân Tiến, chủ vườn hồng xiêm thôn Hoàng Nông: Hai vườn với 70 cây có những cây trồng đến hơn 50 năm nay.
Nhà ông Vũ Xuân Hoán, chủ vườn hồng xiêm Thôn Phú Nông: Có 4 sào hồng xiêm đã trồng được 15 năm, hiện tại gia đình có 30 cây hồng cho thu nhập gấp nhiều lần cấy lúa.
7.2.2. Nghiên cứu thu thập thông tin về hồng xiêm cổ.
7.3.1. Giải pháp 1: Cải tạo đất nhằm bổ sung chất dinh dưỡng cho đất.
* Mục tiêu đặt ra:
- Diệt trừ mầm bệnh cho đất.
- Cung cấp bổ sung chất dinh dưỡng phù hợp.
- Xác định thời điểm bón phân để cải tạo đất hiệu quả nhất.
* Biện pháp: Bên cạnh việc bón phân vô cơ truyền thống định kì hàng năm, nhóm nghiên cứu đề xuất các biện pháp cải tạo đất như sau:
Biện pháp 1: Rắc bổ sung vôi bột trên mặt đất.
- Bổ sung thêm vôi bột để cải tạo đất, điều này sẽ giúp kiểm soát được độ pH đồng thời giúp đất sạch nguồn sâu bệnh (do vôi bột có tính kiềm- có tính khử trùng, diệt nấm cao), đồng thời tăng canxi cho đất. Vì đất ở Lô Giang chua ít ( pH: từ 5,6 - 6,5 ) nên nhóm đề xuất cách tiến hành như sau:
- Loại vôi rắc: Sử dụng bột đá vôi CaCO3 (canxi cacbonat) và vôi Dolomite CaMg(CO3)2
- Lượng bón:
+ Với đất thịt, nhiều chất hữu cơ, pH từ 5,6 – 6,5 bón 18 kg vôi/sào.
+ Với đất cát, ít chất hữu cơ, pH từ 5,6 – 6,5, bón < 9 kg vôi/sào.
- Thời điểm rắc vôi: 02 lần/ năm ( Phụ lục 4)
+ Lần 1: Rắc vôi vào đầu mùa mưa (để xử lý nước mưa đầu mùa mang nhiều axít, mầm bệnh cho đất).
+ Lần 2: Rắc sau khi đã thu hoạch quả xong kết hợp với các biện pháp chăm sóc khác
như cắt cành, tạo hình, bón phân, bồi đắp bổ sung mặt liếp (luống), phòng trừ sâu bệnh… nhằm làm giảm độ chua của đất sau 1 năm cây trồng khai thác đất.
- Cách rắc vôi:
+ Rải đều 1 lượng vôi mỏng trên mặt đất rồi dùng cào răng xới sâu 2-5 cm để trộn đều vôi với đất.
+ Nên rắc vôi trước để khử trùng cho đất, sau vài ngày mới bón các loại phân khác cho cây.
- Lưu ý: Để tăng độ tơi xốp của đất, có thể lựa chọn việc cho thêm hữu cơ vào đất, thông dụng nhất là cho thêm vỏ trứng, trấu, hoặc tro bếp, cũng có thể lấy than tổ ong (đã sử dụng – nghiền nhỏ), để bổ sung cho đất.
Biện pháp 2: Bón phân hữu cơ hoai mục
- Loại phân hữu cơ: Nhóm nghiên cứu chọn loại phân hữu cơ truyền thống (để tận dụng chất thải của gia súc, gia cầm trong mỗi hộ gia đình như: phân lợn, phân gà, phân trâu, phân bò….) ủ kết hợp với tàn dư thực vật (xơ dừa, vỏ trấu, rơm rạ, thân cây ngô, thân khoai lang, đậu tương….) tạo phân hữu cơ vi sinh hoai mục.
- Cách ủ:
Nguyên liệu:
+ Phân chuồng (Trâu, Bò, Lợn, Gà…) : 400 – 900kg
+ Xơ dừa, vỏ trấu, vỏ đậu, rơm rạ, bèo, lục bình, thân cây ngô, thân khoai lang, đậu tương…….: 250 – 400kg
+ Gói Trichoderma: 2- 3,5kg
+ Super Lân: 50- 100kg
Cách ủ:
+ Trộn đều các loại nguyên liệu đã nêu ở trên. Sau đó tưới nước đến khi độ ẩm trong đống lớn hơn 60%. (để biết đống ủ đạt độ ẩm tiêu chuẩn, dùng tay nắm chặt 1 nắm nguyên liệu. Thấy nước nhỉ ra ở kẽ các ngón tay là đạt ). Sau đó dùng bạt phủ kín để che nắng, mưa.
+ Sau 4 – 6 ngày, nhiệt độ trong đống phân có thể lên đến 70°C, các loài vi sinh vật phân giải chất hữu cơ phát triển nhanh và mạnh làm ức chế sự nảy mầm của hạt cỏ cũng như tiêu diệt các loại vi sinh vật có hại trong phân chuồng.
+ Sau 15 – 20 ngày sau tiến hành đảo trộn từ trên xuống, từ ngoài vào trong cho đều, tấp thành đống ủ tiếp khoảng 10 – 20 ngày nữa là có thể sử dụng tốt cho cây ăn trái.
Tuy nhiên tốt nhất nên ủ từ 2- 3 tháng để đủ độ hoai mục, diệt hết được mầm bệnh.
- Ưu điểm của phân hữu cơ hoai mục đã ủ: Cung cấp các chất dinh dưỡng khoáng đa lượng, trung và vi lượng cho cây trồng, cung cấp chất mùn tăng tính gắn kết của các hạt đất, giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, tơi xốp và ổn định kết cấu đất tạo điều kiện cho các vi sinh vật có ích sinh sống, bộ rễ phát triển, hạn chế xói mòn, hạn hán.
- Thời điểm bón, lượng bón (tuỳ theo tuổi của từng gốc hồng xiêm).( Phụ lục 4)
+ Lần 1: Bón khi cây tăng trưởng khoảng 50- 100 kg/ gốc phân chuồng hoai mục và tưới thêm đủ nước để cây phát triển được hiệu quả nhất.
+ Lần 2: Khi cây trong thời kì thu hoạch quả rộ cần bón bổ sung thêm khoảng 20 – 50 kg/ gốc phân chuồng hoai mục và tưới thêm đủ nước để cây phát triển được hiệu quả nhất.
- Cách bón:
+ Bón phân chuồng sau khi bón vôi thì nhận thấy lá cây mau tươi tốt lá xanh hơn.
+ Bón thúc (vì áp dụng với cây hồng xiêm lâu năm) bằng cách đào rãnh sâu 30cm, rộng 30-40cm theo tán cây, cách gốc cây 2 – 3m tùy tuổi cây đã trồng. Cho toàn bộ phân hữu cơ hoai mục vào rãnh và lấp kín.
+ Hoặc có thể đào lỗ theo chiều rộng của tán cây và bón phân vào lỗ.
- Lưu ý:
+ Phân chuồng cần được ủ hoai mục từ 2-3 tháng để đủ độ hoai mục, diệt hết được mầm bệnh.
+ Rễ cây hồng xiêm thường ăn nông, tập trung ở tầng đất mặt nên rễ thường phân bố cách gốc khoảng 1/2 tán cây. Vì vậy bón phân cho hồng xiêm không nên bón xa gốc và bón quá sâu.
Biện pháp 3: Bón bùn ao
- Bùn ao chứa nhiều xác bã hữu cơ và phù sa có nhiều dưỡng chất có thể sử dụng để bón cho đất trồng. Khi bón vào gốc cho hồng xiêm vừa có tác dụng cung cấp dinh dưỡng cho cây, vừa cạp thêm đất cho bền gốc, chống được bão.
- Thời điểm bón, cách bón (Phụ lục 4)
+ Cách 1: Bón khô sau khi đã thu hoạch quả xong. Dùng bùn ao phơi khô (để diệt được mầm bệnh và khí độc hại có trong bùn) đập nhỏ rải đều lên mặt vườn xung quanh tham chiếu của tán cây hồng xiêm thành một lớp mỏng 1- 2 cm.
+ Cách 2: Bón ướt sau khi đã thu hoạch quả xong. Hoà bùn ao cùng với nước và phân vi lượng ( nhóm dùng lân đầu trâu) theo tỉ lệ: 5: 10: 1 sau đó tưới đều 1 lớp
mỏng 2 – 3cm xung quanh tham chiếu của tán cây hồng xiêm (cách xa gốc cây 0,2 – 0,5m tuỳ theo tuổi của gốc hồng xiêm).
- Lưu ý:
+ Không bón quá dầy hay bón trong mùa mưa dễ làm cho đất thiếu oxy ( rễ sẽ không hô hấp được ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển và chức năng sinh lí của rễ ).
+ Chỉ lấy phần đất bùn nhão ở đáy ao đưa lên, không chạm đến tầng đất cứng ở đáy ao (vì thường tầng đất này có chứa vật liệu sinh phèn, khi đưa lớp đất này lên bón gặp không khí sẽ oxy hóa thành phèn hoạt động hại rễ).
+ Tiến hành bón trong mùa khô cạn, không mưa vào dịp khi thu hoạch xong, tỉa cành tạo tán.
+ Việc bón bùn cũng nên tiến hành ngay sau khi bón phân hữu cơ, vôi, và phân
khoáng vì như thế sẽ hạn chế được việc thất thoát phân, giúp cây hồi phục nhanh. Rất nên làm vệ sinh vườn, xới xáo trước lúc bón phân và bùn.
Biện pháp 4: Đánh luống, ủ đất vào từng gốc hồng xiêm cổ (đối với hồng xiêm cổ trồng ngoài ruộng).
- Đối với hồng xiêm trồng ngoài ruộng: Đánh luống, ủ đất vào gốc cây nhằm mục đích chống úng cho hồng xiêm, tạo điều kiện thuận lợi cho rễ hô hấp.
* Áp dụng:
- Được sự giúp đỡ của thầy cô hướng dẫn và người dân trồng hồng xiêm, chúng em tiến hành thử nghiệm các biện pháp cải tạo đất trên 04 địa điểm (là các vườn/ ruộng trồng hồng có độ tuổi khác nhau) trong thời gian từ ngày 02/5/2019 – 18/06/2020. Tiến hành theo dõi, quan sát và thu kết quả (Phụ lục 4).
* Kết quả:
- Ông Lương Xuân Tiến, ông Vũ Xuân Hoán, ông Nguyễn Văn Kiệm, ông Vũ Việt Hải- Là những chủ vườn có hồng xiêm thử nghiệm các biện pháp cải tạo đất thuộc xã Lô Giang, Đông Hưng, Thái Bình đều nhận xét: “ Sau thời gian áp dụng ba biện pháp: rắc vôi bột, bón phân hữu cơ ủ hoai mục, bón bùn ao do nhóm nghiên cứu đề xuất nhận thấy:
+ Đất được cải tạo về chất dinh dưỡng nên cây hồng xiêm trồng trên đất đó có những thay đổi lớn:
+ Về sinh trưởng và phát triển: Gốc Hồng Xiêm thử nghiệm ở thôn Hoàng Nông, Phú Nông: đều phát triển nhanh hơn, cho cây cao lớn hơn, tán buông rộng hơn và lá cây xanh tốt hơn cây trồng ở đất không được cải tạo. Gốc Hồng Xiêm thử nghiệm ở thôn An Bình cây phát triển xanh tốt hơn trước, đỡ còi cọc hơn.
+ Về khả năng ra hoa, đậu quả: Tỉ lệ ra hoa nhiều hơn, hoa rụng ít hơn, đậu quả cao hơn trước.”
7.3.2. Giải pháp 2: Phòng trừ sâu bệnh hại thân, hại quả.
* Mục tiêu đặt ra:
- Phân tích tìm hiểu đặc điểm sinh học và vòng đời phát triển của sâu hại thân/ cành, hại quả hồng xiêm từ đó đề ra các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.
- Xác định được thời kì tác động vào giai đoạn phát triển của sâu hại để có thể tiêu diệt chúng hiệu quả nhất.
* Đặc điểm sinh học và vòng đời phát triển của sâu hại quả hồng xiêm
- Loại sâu đục quả ( Alophia sp thuộc bộ cánh vẩy Lepidoptera, họ ngày sáng Pyraliadae).
- Đặc điểm sinh học:
+ Bướm nâu sải cánh 2,5 cm hoạt động vào ban đêm
+ Đẻ trứng rải rác trên vỏ quả hoặc phía dưới lá, lá đài gần cuống quả.
+ Sâu non màu hồng, thân có nhiều chấm đen, dài tối đa 3cm.
+ Nhộng màu nâu sẫm.
- Vòng đời: Trung bình 30-35 ngày, trong đó thời gian trứng 3-5 ngày, sâu non 18-20 ngày, nhộng 7-9 ngày. + Thuộc biến thái hoàn toàn: là kiểu phát triển mà ấu trùng có hình dạng, cấu tạo sinh lí rất khác với con trưởng thành, trải qua giai đoạn trung gian ( nhộng) ấu trùng biến đổi thành con trưởng thành. + Sơ đồ vòng đời: | |||
|
- Tác hại: + Sâu mới nở ăn cạp bên ngoài vỏ quả, lên tuổi 2 sâu đục thành đường hầm trong sát vỏ quả ăn phần thịt quả làm chảy nhựa trắng xung quanh lỗ đục. + Sâu trưởng thành đục vào trong quả và thải phân ra ngoài, có thể di chuyển phá hại luôn một số quả sát nhau trong cùng một chùm. + Sâu phá từ lúc trái còn nhỏ đến sắp thu hoạch, gây thiệt hại nghiêm trọng, có thể làm rụng trái 30% và giảm phẩm chất trái 60%. Sâu phát sinh gây hại quanh năm, thường nhiều nhất từ tháng 1- tháng 3. + Quả nhỏ bị hại thì khô và rụng, quả lớn thì mất giá trị, giảm năng suất rõ rệt. |
|
* Đặc điểm sinh học và vòng đời phát triển của sâu hại thân/ cành hồng xiêm.
- Sâu đục thân cành thường gặp là bọ xén tóc/ bù xoè (Tên khoa học: Cerambycid)
- Đặc điểm sinh học:
+ Thành trùng bọ xén tóc màu nâu có đốm sáng, dài 2 cm. Cơ thể thường dài, hình
ống với đôi râu đầu dài, cứng, râu đầu thường có 11 đốt và dài vượt quá thân mình hoặc quá nửa chiều dài của thân. Nhiều loài có đủ màu sắc sáng tối và có những đốm hoa văn. Cơ thể phủ lông màu xám rất nhỏ. Thành trùng thường bị thu hút bởi ánh sáng đèn vào đầu mùa mưa sau khi vừa trưởng thành. Thích nơi râm mát, ban ngày ẩn nấp, ban đêm thường tìm đến đẻ trứng vào những kẽ nứt, những chỗ gồ ghề ở thân cây, trong các tháng 5-6-7. Trứng tròn, màu trắng sau khi đẻ, 6-12 ngày trứng nở.
+ Ấu trùng bọ xén tóc (sùng) tóc dài, hình ống, béo trắng, đầu nhỏ, đa số không có chân ngực, dài khoảng 1,8 cm, rất linh động.
+ Trước khi làm nhộng, ấu trùng đục một lổ để khi vũ hóa chui ra. Nhộng được bao bọc bởi một cái kén trắng to.
Biện pháp 1: Thu gom tiêu hủy quả bị sâu để tránh lây lan sâu sang các quả khoẻ mạnh.
Biện pháp 2: Thiết kế và sử dụng bẫy ánh sáng để bắt và diệt con trưởng thành.
Biện pháp 3: Sử dụng biện pháp sinh học để diệt trứng/ sâu hại quả.
- Sử dụng biện pháp sinh học: Dùng thiên địch là Kiến đen đến diệt trứng/ sâu hại quả.
+ Dùng mồi nhử nhụ kiến đen: Có thể dùng mỡ phết lên thân cây/ cành hoặc dùng đường ngâm tẩm vào vải, để lên chạc cây
+ Thời gian: Có thể sử dụng liên tục vào các thời gian trong ngày (trừ ngày mưa, gió lớn).
Biện pháp 4: Rắc vôi bột quanh gốc và quét nước vôi lên thân/ cành để diệt trứng sâu đục thân/ cành.
+ Rắc vôi bột quanh gốc và quét nước vôi lên thân/ cành: 02 lần/ năm để diệt khuẩn, diệt trứng sâu
Biện pháp 5: Dùng thuốc trừ sâu sinh học để diệt trứng, diệt sâu đục thân/ cành/ quả.
- Dùng thuốc trừ sâu sinh học như tinh dầu tỏi, tinh dầu hoa cúc, dung dịch ớt ngâm……
+ Nhóm chúng em đề xuất: Thuốc trừ sâu sinh học làm từ ớt, tỏi, gừng.
Tác dụng: Ớt, tỏi, hành, gừng chứa hàm lượng a-xit có tác động đến các bộ phận như mắt, da của những loài sâu hại từ đó có thể tiêu diệt, xua đuổi chúng.
Cách pha chế: Chuẩn bị một số nguyên liệu: 10 kg tỏi, 10 kg ớt, 10 kg gừng và 30lít rượu. Đem nghiền nát chúng, đổ thêm 30 lít rượu vào chứa trong thùng kín. Ngâm khoảng 15 ngày và đây có thể được coi là nước cốt. Thời gian ngâm lâu giúp cho dung dịch có nồng độ cay đậm đặc hơn và từ đó tiêu diệt côn trùng tốt hơn.
Cách sử dụng:
+ Có thể bơm trực tiếp vào chỗ có sâu rồi chát vít lỗ sâu hoặc buộc chặt bằng túi bóng hoặc phin bọc thực phẩm 3-5 ngày để sâu chết.
+ Dùng bình dung tích lớn (tuỳ vào tuổi của gốc hồng xiêm phun từ 20- 50 lít/ gốc) phun khắp thân cành và tán cây định kì 01 lần/ ngày.
Lưu ý: Trước khi dùng có thể pha loãng dung dịch với nước theo tỉ lệ 1 : 1 và phun trên diện rộng cũng có tác dụng xua đuổi côn trùng, diệt rệp, nấm lá.
Biện pháp 5: Dùng thuốc trừ sâu sinh học để diệt trứng, diệt sâu đục thân/ cành/ quả.
- Dùng thuốc trừ sâu sinh học như tinh dầu tỏi, tinh dầu hoa cúc, dung dịch ớt ngâm……
+ Nhóm chúng em đề xuất: Thuốc trừ sâu sinh học làm từ ớt, tỏi, gừng.
Tác dụng: Ớt, tỏi, hành, gừng chứa hàm lượng a-xit có tác động đến các bộ phận như mắt, da của những loài sâu hại từ đó có thể tiêu diệt, xua đuổi chúng.
Cách pha chế: Chuẩn bị một số nguyên liệu: 10 kg tỏi, 10 kg ớt, 10 kg gừng và 30lít rượu. Đem nghiền nát chúng, đổ thêm 30 lít rượu vào chứa trong thùng kín. Ngâm khoảng 15 ngày và đây có thể được coi là nước cốt. Thời gian ngâm lâu giúp cho dung dịch có nồng độ cay đậm đặc hơn và từ đó tiêu diệt côn trùng tốt hơn.
Cách sử dụng:
+ Có thể bơm trực tiếp vào chỗ có sâu rồi chát vít lỗ sâu hoặc buộc chặt bằng túi bóng hoặc phin bọc thực phẩm 3-5 ngày để sâu chết.
+ Dùng bình dung tích lớn (tuỳ vào tuổi của gốc hồng xiêm phun từ 20- 50 lít/ gốc) phun khắp thân cành và tán cây định kì 01 lần/ ngày.
Lưu ý: Trước khi dùng có thể pha loãng dung dịch với nước theo tỉ lệ 1 : 1 và phun trên diện rộng cũng có tác dụng xua đuổi côn trùng, diệt rệp, nấm lá.
* Thực nghiệm:
- Được sự giúp đỡ của thầy cô hướng dẫn và người dân trồng hồng xiêm, chúng em tiến hành thử nghiệm các biện pháp phòng trừ sâu hại thân, hại quả trên 04 địa điểm( là các vườn/ ruộng trồng hồng có độ tuổi khác nhau) trong thời gian từ ngày 10/5/2019 – 18/06/2020. Tiến hành theo dõi, quan sát và thu kết quả (Phụ lục 5).
* Kết quả:
- Ông Lương Xuân Tiến, ông Vũ Xuân Hoán, ông Nguyễn Văn Kiệm, ông Vũ Việt Hải- Là những chủ vườn có hồng xiêm thử nghiệm các biện pháp cải tạo đất thuộc xã Lô Giang, Đông Hưng, đều nhận xét: “ Sau một thời gian sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu hại cho cây hồng xiêm mà nhóm nghiên cứu đề xuất, nhận thấy:
+ Sâu đục quả, đục thân/ cành bị tiêu diệt triệt để hơn trước.
+ Những gốc hồng xiêm thử nghiệm sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu bệnh hại.
+ Tỉ lệ hoa nhiều, quả đậu cao, không còn hiện tượng bị sâu đục, không bị rụng khi còn non nữa”. (Video phỏng vấn).
7.3.3. Giải pháp 3: Bấm ngọn và tỉa bớt quả non đối với cành có mật độ quả dày.
+ Bấm ngọn (đối với những cây mới trồng, vườn mới quy hoạch): Với mỗi gốc hồng cao từ 1m- 1,5m thì tiến hành bấm ngọn. Khi đó cây tập trung chất dinh dưỡng để phát triển cành bên và tán, cây sẽ thấp, tán rộng thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch quả.
+ Tỉa bớt quả ngay khi quả non (đối với những cành có mật độ quả dày) để tập trung chất dinh dưỡng nuôi quả còn lại, giúp giảm tỉ lệ rụng quả, tăng kích thước quả và hạn chế lây lan sâu đục quả.
+ Bấm ngọn, tỉa cành (đối với những cây sau vụ thu hoạch quả): Giúp cây được thông thoáng, tập trung dinh dưỡng cho các cành khoẻ giảm được sâu hại.
- Áp dụng: Tiến hành trên 05 gốc hồng xiêm vườn nhà ông Vũ Xuân Hoán- Thôn Phú Nông và 05 gốc hồng xiêm vườn nhà ông Lương Xuân Tiến- Thôn Hoàng Nông.
- Kết quả: Sau khi bấm ngọn và tỉa quả non nhận thấy cây hồng xiêm thấp, tán rộng, thuận lợi cho việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, quả hồng còn lại không bị rụng, có kích cỡ to hơn, năng suất hơn, hạn chế sự lây lan sâu đục quả.
7.3.4. Giải pháp 4: Tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen chăm sóc cây hồng xiêm cổ của người dân để tăng sản lượng và chất lượng quả.
- Sau khi áp dụng 3 giải pháp, nhóm chúng em đã phát phiếu khảo sát (ngày 14/6/2020) nhằm đánh giá sản lượng và chất lượng quả hồng xiêm của người dân tại 4 thôn: Hoàng Nông (80 phiếu), Phú Nông (80 phiếu), An Bình (20 phiếu), Minh Đức (20 phiếu).
+ Phiếu khảo sát số 2: Đánh giá sản lượng, chất lượng quả hồng xiêm (Sau khi áp dụng 3 giải pháp) và tuyên truyền (Phụ lục 6).
+ Kết quả khảo sát số 2. (Phụ lục 7).
- Tuyên truyền:
+ Phát tờ rơi tuyên truyền và tuyên tuyên trên đài phát thanh xã nhằm thay đổi nhận thức, thói quen chăm sóc cây hồng xiêm của người dân. Từ đó giúp nâng cao chất lượng và sản lượng quả hồng xiêm.
+ Trong các buổi nói chuyện ngoại khoá, các buổi sinh hoạt câu lạc bộ ở trường học nhằm cung cấp các kiến thức khoa học về trồng và chăm sóc cây hồng xiêm cổ để các bạn học sinh có nền tảng kiến thức, cùng chung tay góp phần bảo tồn và phát triển giống hồng xiêm cổ xã nhà.
+ Nội dung tuyên truyền: Để nâng cao chất lượng và sản lượng hồng xiêm xã nhà, bà con hãy tiến hành các giải pháp sau:
1. Cải tạo đất định kì để bổ sung chất dinh dưỡng cho đất.
2. Bón kết hợp phân vô cơ và phân hữu cơ hoai mục để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho đất và cây trồng.
3. Phòng trừ sâu bệnh hại cây, hại quả bằng các biện pháp cơ học, sinh học. Hạn chế dùng thuốc hoá học.
4. Bấm ngọn, tỉa cành sâu, cành xấu kết hợp tỉa quả để cho năng suất cao.
8.1 Kết luận
- Thực tế khi áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng hồng xiêm cổ chúng em nhận thấy: Các giải pháp đều có cơ sở khoa học và khả thi, được tiến hành tuần tự, đúng kế hoạch, cung cấp bổ sung được chất dinh dưỡng cho đất, phòng trừ sâu bệnh hại hiệu quả nên cây hồng xiêm sinh trưởng phát triển tốt hơn, hạn chế được sâu bệnh hại, bước đầu đã tăng năng suất, chất lượng của quả.
- Dự án được người dân ủng hộ và thực hiện có hiệu quả, làm thay đổi thói quen về cách chăm sóc cây hồng xiêm cổ, góp phần tăng trưởng kinh tế cho địa phương, đồng thời bảo tồn được giống hồng xiêm cổ.
- Dự án là cơ sở để cho các nghiên cứu khoa học khác kế tiếp góp phần bảo tồn giống hồng xiêm cổ trên đất Lô Giang.
8.2. Đề xuất
- Các ban ngành đoàn thể địa phương cần tuyên truyền rộng rãi ưu điểm của các biện pháp chăm sóc cây hồng xiêm cổ để mọi người dân hưởng ứng thực hiện.
- Trung tâm học tập cộng đồng của xã nhà cần tổ chức các buổi tập huấn phổ biến các kiến thức về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cho cây hồng xiêm cổ.
- Chính quyền địa phương cần có sự chỉ đạo, phối kết hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, các ban ngành, đoàn thể (Hội nông dân, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, Ban chăn nuôi – thú y…), kết hợp với các hộ gia đình để quy hoạch trồng hồng xiêm tập trung với quy mô lớn kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm.
- Các ban ngành đoàn thể địa phương có kế hoạch tìm đầu ra cho quả hồng xiêm để từ đó phát triển, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù với hồng xiêm cổ xã Lô Giang.
Một số hình ảnh cuộc thi